Viêm da tiết bã – Nguyên nhân và cách điều trị tận gốc – Giải pháp dành cho tóc gàu ngứa, nấm da đầu dai dẳng lâu năm

 

Viêm da tiết bã (viêm da dầu) là tình trạng viêm da mãn tính, đặc trưng bởi thương tổn có dạng ban đỏ/ hồng, da có nhờn và vảy khô kết hợp. Bệnh lý này hình thành do sự phát triển quá mức của nấm Malassezia và một số yếu tố cộng hưởng khác. Mặc dù không thể chữa trị dứt điểm nhưng bệnh có thể được kiểm soát bằng cách dùng thuốc tại chỗ, thuốc uống và chăm sóc khoa học.

Viêm da tiết bã là tình trạng viêm da mãn tính, có tính chất dai dẳng và dễ tái phát

Viêm da tiết bã là gì?

Viêm da tiết bã (Seborrheic dermatitis/ Seborrheic eczema) còn được là viêm da dầu và chàm da mỡ. Thuật ngữ này đề cập tình trạng viêm da mãn tính, dễ tái phát, ảnh hưởng chủ yếu đến vùng da đầu, da mặt, ngực, tai,… và một số vùng da có hoạt động bài tiết bã nhờn mạnh.

Bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ở một số ít trường hợp, viêm da dầu chỉ bùng phát duy nhất 1 lần và thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp khắc phục. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn trường hợp mắc bệnh đều có xu hướng tiến triển mãn tính, dai dẳng và gặp nhiều bất lợi trong quá trình điều trị.

Viêm da tiết bã là bệnh da liễu lành tính và gần như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên do tính chất cố thủ và tái phát thường xuyên, bệnh có thể ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ và tâm lý.

Viêm da tiết bã nguy hiểm không? Có lây không?

Viêm da tiết bã là bệnh da liễu lành tính và ít khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. So với các bệnh da liễu mãn tính như viêm da cơ địa, chàm, viêm da dị ứng, viêm da tiết bã thường không gây ngứa ngáy, bứt rứt và khó chịu. Chính vì vậy hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều không phát sinh tổn thương thứ phát hay bội nhiễm.

Tuy nhiên do tính chất dễ tái phát, dai dẳng và tiến triển suốt đời nên bệnh có thể gây ra tâm lý thiếu tự tin, e ngại, căng thẳng và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Viêm da tiết bã có lây không?
Viêm da tiết bã có lây không?

Viêm da tiết bã nhờn là bệnh viêm da mãn tính, căn nguyên của bệnh có liên quan đến hoạt động của hệ miễn dịch và một số điều kiện sức khỏe. Quá trình hình thành và khởi phát bệnh không có sự tham gia của vi khuẩn và virus, chính vì vậy bệnh lý này không có khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc vật lý. Tuy nhiên bệnh có khả năng di truyền ở những người thân cận huyết.

Triệu chứng của bệnh viêm da dầu

Viêm da đầu có tiến triển thầm lặng và khởi phát chậm. Phạm vi, hình thái tổn thương và mức độ của triệu chứng phụ thuộc vào vùng da mắc bệnh, sức khỏe tổng thể, hệ miễn dịch và độ tuổi của từng trường hợp.

1. Dấu hiệu của bệnh viêm da dầu ở trẻ em

Viêm da dầu thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và có xu hướng thuyên giảm khi trẻ đủ 6 – 12 tháng. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da đầu và thường được dân gian gọi là “cứt trâu”.

Viêm da dầu tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và chỉ gây thương tổn ở vùng da đầu
Viêm da dầu tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và chỉ gây thương tổn ở vùng da đầu

Tổn thương da điển hình của bệnh viêm da dầu ở trẻ:

  • Xuất hiện các mảng da dày màu trắng, vàng hoặc nâu ở vùng da đầu
  • Mảng da dính chặt vào vùng da đầu, khó bong và có xu hướng lan tỏa
  • Thương tổn da thường không gây ngứa hay khó chịu

Nếu có các yếu tố thuận lợi như viêm da cơ địa, viêm da tiết bã có thể chuyển biến nặng với các triệu chứng như:

  • Triệu chứng lan tỏa toàn thân
  • Da đỏ
  • Bong vảy vàng, ẩm, nhờn và dính
  • Bề mặt da có nhiều vảy tiết

Trong trường hợp này, bệnh còn được gọi là bệnh đỏ da toàn thân bong vảy Leiner-Moussou. Tuy nhiên rất hiếm có trường hợp trẻ mắc phải tình trạng này. Thống kê cho thấy, phần lớn trẻ bị viêm da dầu đều tự thuyên giảm mà không cần can thiệp biện pháp y tế.

2. Triệu chứng viêm da dầu ở người lớn

Viêm da dầu ở người trưởng thành thường gặp ở cung mày, sau tai, quanh mũi và da đầu. Với những trường hợp nặng, bệnh có thể ảnh hưởng vùng liên bả vai và ngực (nửa trên thân mình).

Triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã ở người trưởng thành:

Ở người lớn, triệu chứng tập trung chủ yếu ở da đầu, vùng ngực và mặt
Ở người lớn, triệu chứng tập trung chủ yếu ở da đầu, vùng ngực và mặt
  • Vùng da ảnh hưởng có dấu hiệu đỏ/ hồng, da có nhờn và vảy khô kết hợp
  • Ở rìa tóc, ngực và lưng, thường xuất hiện các bờ viền màu đỏ, gờ cao và rõ ràng so với vùng da xung quanh. Bờ viền có hình đa cung, hình nhẫn hoặc tròn, bên trên thường có vảy trắng.
  • Nếu xảy ra ở cung mày, da thường có các vết dát đỏ, da bong vảy để lộ lớp da bên dưới mỏng. Tổn thương có thể khu trú ở cung mày hoặc có thể lan tỏa ra viền tóc và cánh mũi.
  • Tổn thương ở da mặt đặc trưng là sự xuất hiện của các dát hoặc mảng da màu đỏ/ màu hồng, bằng phẳng và không có ranh giới rõ ràng. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng ở các nếp gấp (rãnh mũi), có tính chất đối xứng và bề mặt thương tổn thường có vảy bong màu trắng.
  • Nếu xảy ra ở bẹn, sinh dục, dưới ngực và nách, bệnh thường có dát đỏ đặc trưng.
  • Trường hợp viêm da tiết bã xảy ra ở nửa trên thân mình thường đi kèm với viêm nang lông.

Ở người trưởng thành, bệnh có thể gây ngứa nhẹ hoặc không ngứa. Triệu chứng của da bùng phát mạnh vào mùa thu – đông và nhẹ hơn vào mùa xuân – hè.

Viêm da dầu ở người lớn chủ yếu gây tổn thương khu trú. Tuy nhiên với những người có hệ miễn dịch kém, thương tổn có thể lan tỏa khắp cơ thể và tạo ra hình thái tương tự bệnh vảy nến.

Nguyên nhân gây viêm da tiết bã

Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên các nhà khoa học nhận thấy bệnh có mối liên hệ mật thiết với phản ứng bất thường của hệ miễn dịch và hoạt động của nấm men Malassezia. Các chất chuyển hóa của loại nấm men này chính là yếu kích thích phản ứng viêm và thương tổn trên da.

Ngoài ra, bệnh còn có thể khởi phát do một số yếu tố sau:

  • Hàng rào bảo vệ da: Lớp màng lipid trên bề mặt có chức năng bảo vệ da khỏi các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Vào mùa đông, da mất ẩm, gây phá vỡ màng lipid và tạo điều kiện cho bệnh khởi phát. Trong khi đó vào thời điểm nóng ẩm, triệu chứng thường có xu hướng giảm nhẹ.
  • Tiền sử gia đình: Thống kê cho thấy, người bị viêm da dầu thường có người thân cận huyết mắc bệnh lý này hoặc vảy nến.
  • Da nhờn: Bã nhờn và dầu thừa là yếu tố kích thích hoạt động của vi nấm Malassezia. Vi nấm Malassezia hoạt động mạnh gây bài tiết nhiều chất chuyển hóa và bùng phát triệu chứng viêm da dầu.
Nhiễm HIV, bị tiểu đường, cấy ghép tạng,… có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu và tăng nguy cơ mắc bệnh
Nhiễm HIV, bị tiểu đường, cấy ghép tạng,… có thể khiến hệ miễn dịch suy yếu và tăng nguy cơ mắc bệnh
  • Hệ miễn dịch suy yếu: Nhóm đối tượng có hệ miễn dịch suy yếu như nhiễm HIV, tiểu đường, cấy ghép nội tạng, ung thư,… có nguy cơ cao mắc bệnh viêm da tiết bã và một số bệnh viêm da mãn tính khác. Đặc biệt ở người nhiễm HIV, thương tổn da thường có mức độ nặng nề và kéo dài hơn so với các đối tượng khác.
  • Các rối loạn thần kinh và tâm thần: Viêm da dầu có xu hướng bùng phát và ảnh hưởng nghiêm trọng nếu có các điều kiện rối loạn thần kinh và tâm thần đi kèm như trầm cảm, chậm phát triển, bệnh Parkinson,…
  • Ảnh hưởng của một số loại thuốc: Triệu chứng của viêm da tiết bã có thể bị kích hoạt sau khi dùng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc corticoid,…

Ngoài ra theo thống kê, bệnh gặp nhiều ở nam giới hơn nữ giới và tỷ lệ mắc bệnh có xu hướng tăng lên theo độ tuổi.

Chẩn đoán bệnh viêm da dầu

Viêm da tiết bã nhờn được chẩn đoán chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng (thương tổn da, thời điểm khởi phát, vị trí ảnh hưởng,…). Bên cạnh đó bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như nuôi cấy và soi trực tiếp để xác định sự hiện diện của vi nấm Malassezia.

Viêm da tiết bã nhờn được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng
Viêm da tiết bã nhờn được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng

Ngoài ra một vài trường hợp có thể phải sinh thiết mô bệnh học để chẩn đoán phân biệt với những bệnh lý sau:

  • Vẩy nến: Vẩy nến (vảy nến) là bệnh da liễu mãn tính có hình thái tổn thương tương tự viêm da tiết bã. Tuy nhiên tổn thương da thường có vảy màu trắng bạc như nến. Khi sinh thiết mô da sẽ nhận thấy sự tăng sinh của nhóm trung gian hóa học. Trong đó, sinh thiết mô viêm da dầu nhận thấy sự hiện diện của nấm men.
  • Viêm da cơ địa: Viêm da cơ địa là bệnh viêm da mãn tính và có xu hướng tái phát nhiều tương tự vảy nến và viêm da tiết bã. Tuy nhiên bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng ở vùng tì đè và nếp gấp, ít khi ảnh hưởng đến da đầu, mặt và vùng ngực.

Với những trường hợp không có tổn thương điển hình, bác sĩ có thể tiến hành phân biệt với một số bệnh lý da liễu có triệu chứng tương tự để loại trừ các khả năng có thể xảy ra.

Các biện pháp điều trị viêm da tiết bã nhờn

Viêm da tiết bã nhờn không thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên bạn có thể làm giảm triệu chứng và hạn chế tình trạng tái phát với các biện pháp điều trị sau:

1. Điều trị bằng thuốc Tây

Điều trị bằng thuốc Tây cho tác dụng nhanh nên thường được chỉ định trong giai đoạn bệnh bùng phát mạnh (vào mùa thu – đông).

Điều trị viêm da tiết bã bao gồm dùng dầu gội kháng nấm, thuốc bôi hoặc thuốc uống
Điều trị viêm da tiết bã bao gồm dùng dầu gội kháng nấm, thuốc bôi hoặc thuốc uống

Các loại thuốc Tây được sử dụng trong điều trị viêm da tiết bã, bao gồm:

  • Thuốc bong vảy tại chỗ: Viêm da dầu đặc trưng bởi tình trạng da bong vảy trắng. Để làm giảm triệu chứng này, bạn có thể sử dụng các loại thuốc hỗ trợ làm bong vảy chứa Acid lactic, Acid salicylic, Propylen glycol và Urea. Nếu xảy ra ở vùng da đầu, bác sĩ sẽ chỉ định dầu gội chứa các hoạt chất kể trên.
  • Thuốc kháng nấm tại chỗ: Với những trường hợp tổn thương da có mức độ nhẹ đến trung bình, bác sĩ sẽ kê toa thuốc kháng nấm tại chỗ (kem bôi, dầu gội) chứa Ciclopirox và Ketoconazol. Tuy nhiên với một số chủng nấm Malassezia kháng thuốc chống nấm azol, cần thay thế bằng Selenium sulphid hoặc Zinc pyrithion.
  • Dầu gội chứa Fluocinolon: Trong giai đoạn khởi phát, corticosteroid hoạt tính nhẹ thường được chỉ định trong 1 – 3 tuần để giảm viêm và giảm bùng phát bệnh. Với trường hợp bị viêm da tiết bã ở da đầu, điều trị chủ yếu là sử dụng dầu gội chứa Fluocinolon.
  • Thuốc bôi chứa corticoid: Nếu thương tổn xảy ra ở mặt, ngực và tai, có thể sử dụng corticoid dạng điều trị tại chỗ chứa các dẫn xuất như Desonid, Betamethason và Fluocinolon. Tuy nhiên trong điều trị viêm da tiết bã, corticoid chỉ được sử dụng ở nồng độ thấp nhằm hạn chế các tác dụng không mong muốn.
  • Thuốc bôi ức chế calcineurin: Các loại thuốc bôi ức chế calcineurin (Pimecrolimus và Tacrolimus) có tác dụng chống viêm và giảm ngứa nhưng không gây ra chứng teo da, giảm đề kháng như corticoid. Chính vì vậy, thuốc bôi ức chế calcineurin thường được sử dụng ưu tiên đối với viêm da tiết bã ở vùng mặt và tai.
  • Kháng nấm dạng uống: Trong trường hợp tổn thương da có mức độ nặng hoặc không có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, bạn có thể phải sử dụng thuốc kháng nấm dạng uống (thường là Itraconazol). Thuốc có tác dụng ức chế và kìm hãm vi nấm nhằm ngăn ngừa thương tổn da lan tỏa rộng.
  • Kháng sinh đường uống: Nếu da có dấu hiệu bội nhiễm hoặc tổn thương lan rộng và có nguy cơ nhiễm trùng cao, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định kháng sinh đường uống.

Trong trường hợp tổn thương da kéo dài, bác sĩ có thể đề nghị áp dụng liệu pháp ánh sáng. Liệu pháp này sử dụng tia UVA hoặc UVB chiếu trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng nhằm giảm vảy bong và cải thiện các triệu chứng đi kèm. Tuy nhiên liệu pháp ánh sáng có thể làm tăng nguy cơ ung thư và thúc đẩy tốc độ lão hóa da.

2. Tận dụng thảo dược tự nhiên

Khi triệu chứng trên da có dấu hiệu thuyên giảm và ổn định, bạn có thể giảm tần suất dùng thuốc và tận dụng thảo dược tự nhiên để cải thiện thương tổn.

Tinh dầu cây trà có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và loại bỏ vảy bong ở da đầu
Tinh dầu cây trà có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và loại bỏ vảy bong ở da đầu

Một số loại thảo dược tự nhiên có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm da tiết bã:

  • Dầu cây trà: Tinh dầu từ cây trà có tác dụng làm dịu da, chống viêm và hỗ trợ ức chế các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Ngoài ra thêm tinh dầu trà vào dầu gội có thể loại bỏ vảy bong và sưng đỏ da do viêm da dầu gây ra.
  • Sử dụng gel nha đam: Dùng gel nha đam lên vùng da bị ảnh hưởng có thể dưỡng ẩm, phục hồi, làm dịu và loại bỏ vảy bong trên da. Hơn nữa thảo dược này còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, có tác dụng tăng tốc độ hồi phục và nâng cao sức đề kháng cho da.
  • Chanh: Chanh tươi chứa acid citric – hoạt chất tự nhiên có tác dụng bạt sừng và loại bỏ vảy bong. Bạn có thể thêm nước cốt chanh vào dầu gội hoặc phối hợp với sữa chua, nha đam, mật ong,… để làm mặt nạ dưỡng da.
  • Dùng mật ong: Mật ong chứa hàm lượng chất chống oxy hóa và axit amin dồi dào, có khả năng phục hồi mô da hư tổn, làm dày màng lipid và bảo vệ da trước những tác nhân có hại. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn hỗ trợ ức chế hoạt động của vi nấm Malassezia – một trong những nguyên nhân gây bệnh chàm da mỡ.

Thảo dược tự nhiên có thể giảm nhẹ triệu chứng của bệnh và hỗ trợ nuôi dưỡng làn da. Tuy nhiên các loại thảo dược này có tác dụng chậm, vì vậy bạn chỉ nên áp dụng khi thương tổn da đã thuyên giảm và ổn định.

 

Chăm sóc & phòng ngừa viêm da tiết bã tái phát

Bên cạnh các biện pháp điều trị, bạn cần xây dựng thói quen chăm sóc da đúng cách nhằm hỗ trợ làm giảm mức độ, phạm vi ảnh hưởng của bệnh và hạn chế nguy cơ tái phát.

Nên dưỡng ẩm và chăm sóc da đúng cách để giảm nguy cơ bệnh tái phát
Nên dưỡng ẩm và chăm sóc da đúng cách để giảm nguy cơ bệnh tái phát

Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh viêm da tiết bã, bao gồm:

  • Gội đầu thường xuyên bằng các dầu gội đặc trị hoặc các sản phẩm dịu nhẹ để loại bỏ vảy bong. Đồng thời nên sấy khô tóc hoàn toàn để giảm tình trạng da tiết nhiều dầu và bong vảy trắng.
  • Thay đổi các sản phẩm chăm sóc da nếu các sản phẩm này chứa nhiều xà phòng và thành phần dễ gây kích ứng.
  • Ngưng tạo kiểu và sử dụng hóa chất lên tóc trong thời gian bệnh bùng phát mạnh.
  • Mặc quần áo thông thoáng, có chất liệu mềm và thấm hút để tránh ma sát và kích thích da bài tiết nhiều mồ hôi.
  • Hạn chế căng thẳng, stress và mất ngủ. Các yếu tố này có thể kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh và nặng nề hơn.
  • Nên ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và luyện tập thường xuyên để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ ức chế căn nguyên của bệnh.
  • Thường xuyên dưỡng ẩm cho da với các sản phẩm dịu nhẹ để hạn chế tình trạng da khô ráp, bong tróc,…
  • Nếu thương tổn gây ngứa, nên chườm lạnh, dưỡng ẩm hoặc sử dụng thuốc. Tuyệt đối không chà xát và gãi lên vùng da bị bệnh. Thói quen này có thể khiến da bị trầy xước, chảy máu và viêm nhiễm.
  • Nên tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ Da liễu. Đồng thời cần thăm khám thường xuyên để kịp thời phát hiện biến chứng và điều trị kịp thời.

Viêm da tiết bã là bệnh da liễu mãn tính, dai dẳng và dễ tái phát. Tuy nhiên nếu tích cực trong quá trình điều trị và chăm sóc, tổn thương da sẽ có xu hướng thuyên giảm và ít có khả năng bùng phát trên phạm vi rộng. Ngược lại, tình trạng chủ quan, không can thiệp xử lý kịp thời có thể khiến triệu chứng tiến triển nặng nề, gây ảnh hưởng đến ngoại hình, tâm lý và tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.

Trả lời